Bắc Giang - Hướng dẫn, quản lý học sinh sử dụng điện thoại thông minh, máy tính cầm tay trong học tập
Vấn đề ở đây là tính khả thi của điều này tại Việt Nam nếu cho áp dụng thì sẽ ra sao. Hiện có rất nhiều bậc cha mẹ đã trang bị điện thoại di động cho các con ở cấp tiểu học, và nhiều hơn ở bậc THCS, THPT. Và có không ít học sinh thậm chí nghiện sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội từ rất sớm. Đây cũng là những lo lắng có căn cứ của nhiều bậc cha mẹ học sinh và dư luận xã hội trong thời gian qua.

Trong những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo Bắc Giang đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức các hoạt động giáo dục; giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, tổ chức cho học sinh, học viên nhiều hoạt động học tập có sử dụng các thiết bị như máy tính, tivi thông minh, điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng, máy tính kết nối mạng internet, các thiết bị có tính năng tương tự (gọi chung là điện thoại). Việc áp dụng đó bước đầu đã có những kết quả tích cực, hiệu quả trong lộ trình đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh những sự thuận lợi, tích cực do sự phát triển tất yếu của công nghệ 4.0 mang lại cũng có những hạn chế, bất lợi khi lạm dụng sử dụng nó, nhất là khi sử dụng sai mục đích; thực tế đã có tình trạng học sinh sử dụng điện thoại ngoài mục đích học tập với thời gian dài, truy cập một số trang mạng có thông tin chưa được kiểm chứng; một bộ phận học sinh đã lạm dụng máy tính, lười suy nghĩ, tư duy ngay cả với các phép tính đơn giản, về lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến trí tuệ của học sinh.
Để việc sử dụng điện thoại, máy tính của học sinh đúng mục đích, nâng cao chất lượng dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đã ban hành hướng dẫn việc quản lý học sinh sử dụng điện thoại, máy tính trong học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong đó đã cụ thể hóa, hướng dẫn chi tiết để các cơ sở giáo dục thống nhất trong việc quản lý việc sử dụng điện thoại và máy tính của học sinh.
Trong thời gian học sinh học tập tại trường, học sinh được sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ mang điện thoại đến trường, ngay khi đến trường/lớp phải để chế độ im lặng, cất vào tủ đựng chung của cả lớp trong suốt buổi học, kể cả giờ ra chơi (giờ ra chơi dành để học sinh thực hiện các tương tác tập thể do trường, lớp tổ chức); được sử dụng khi lãnh đạo đơn vị hoặc giáo viên có trách nhiệm cho phép; không được tự ý yêu cầu lấy điện thoại hoặc gây sức ép đối với người quản lý chìa khoá tủ để yêu cầu lấy điện thoại. Học sinh chỉ được dùng điện thoại trong giờ học hoặc một phần thời gian trong giờ học khi giáo viên cho phép và yêu cầu sử dụng điện thoại để tương tác với bài học. Khi có việc khẩn cấp (thông tin khẩn cấp do giáo viên xác thực), học sinh được sử dụng điện thoại để liên lạc dưới sự hỗ trợ của giáo viên.

Ngoài ra, khi học sinh không ở trường, Sở cũng đề nghị cha mẹ học sinh, người giám hộ quản lý thời gian, mục đích, hiệu quả việc sử dụng thiết bị thông minh của học sinh; phối hợp chặt chẽ với giáo viên cho học sinh sử dụng thiết bị thông minh để phục vụ hoạt động học tập hoặc cần tương tác, trao đổi theo sự hướng dẫn của giáo viên.
Việc quản lý sử dụng máy tính, Sở cũng yêu cầu hạn chế đến mức tối đa việc lạm dụng sử dụng máy tính trong thực hiện các phép toán thông thường, nhất là các phép toán đơn giản, có khả năng tính nhẩm hoặc rèn luyện khả năng tính nhẩm; khuyến khích học sinh sử dụng máy tính vào giải các bài toán phức tạp, gắn liền với thực tiễn, gắn liền với các thuật toán mang tính lập trình.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể, trong đó đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” và việc Quản lý việc sử dụng thiết bị thông minh và máy tính cầm tay của học sinh.
Đặc biệt, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục bố trí mỗi lớp học 01 tủ đựng để quản lý điện thoại của học sinh khi đến lớp. Giao cho học sinh có trách nhiệm (Lớp trưởng/Bí thư chi đoàn/Chi đội trưởng) quản lý chìa khóa. Phối hợp với cha mẹ học sinh, người giám hộ và học sinh để xây dựng nội quy lớp học, quy định cụ thể việc mang và sử dụng điện thoại khi đến lớp; học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại khi giáo viên cho phép và yêu cầu sử dụng để tương tác với bài học, hoạt động chung. Nội quy cần công khai các hình thức xử lý vi phạm để đảm bảo tính nghiêm minh. Tăng cường tổ chức các hoạt động tập thể (trò chơi, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ), hoạt động đọc sách,... cho học sinh