Đoàn thể :: 22/01/2024

Tổ Ngữ văn THPT Lục Nam tham quan trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long – Bảo tàng văn học

Được sự nhất trí của Ban Giám hiệu, Ban đại diện phụ huynh học sinh, Tổ văn Trường THPT Lục Nam đã tổ chức buổi tham quan trải nghiệm cho nhóm học sinh giỏi của ba khối. Đúng 6h sáng ngày 05/11/2023, trong tiết trời se lạnh của mùa thu, thầy cô và các trò Trường THPT Lục Nam hân hoan tham dự buổi tham quan trải nghiệm khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long và Bảo tàng Văn học Việt Nam.


Điểm dừng chân đầu tiên trong cụm di tích Hoàng Thành đó là Kỳ Đài, tên gọi khác là Cột cờ Hà Nội. Nhìn tổng quát, di tích gồm ba tầng, kết cấu dạng tháp, đi vào sâu bên trong thày trò được chiêm ngưỡng thiết kế cầu thang dạng xoắn ốc dẫn lên đỉnh, từ đây bạn có thể ngắm trọn vẹn không gian Hoàng Thành. 

 Đi thêm một đoạn nữa sẽ tới Đoan Môn - cổng chính dẫn vào Hoàng Thành. Xuất hiện lần đầu vào thời Lý, nhưng kiến trúc Đoan Môn do nhà Lê xây dựng vào thế kỉ XV và nhà Nguyễn tu bổ vào thế kỷ XIX. Đoan Môn được xây dựng theo lối kiến trúc vòm cân xứng gần như tuyệt đối qua “trục thần đạo”. Đây là địa điểm được nhiều du khách check in bởi vẻ uy nghi, hoành tráng của công trình.


Rời Đoan Môn, băng qua một khoảng sân lớn gọi là Long Trì, rồi đến Điện Kính Thiên – hạt nhân chính trong tổng thể di tích Hoàng Thành. Tại đây, cả đoàn được trải nghiệm nghi lễ dâng hương tưởng nhớ các vị vua, nghe giới thiệu về Điện Kính Thiên. Đắm mình trong không gian lịch sử đặc biệt giữa lòng Hà Nội, chất giọng vang hùng của người thuyết minh  khiến không khí trở nên trang trọng giúp mỗi bạn trẻ thêm tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến, và càng tưởng nhớ công ơn của những bậc tiền nhân. Hiện nay, công trình chỉ còn giữ lại được phần nền và hai bậc thềm rồng đá. 

Chính Bắc Môn, hay Cửa Bắc, là một trong năm cửa của thành cổ Hà Nội thuộc thời Nguyễn, và cũng là cửa thành duy nhất còn sót lại, theo lối vọng lâu: phía trên là lầu, phía dưới là thành. Trên lầu hiện là nơi thờ hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu – người đã cùng dân Hà Nội chiến đấu bảo vệ và hi sinh.

Băng qua bên đường là khu khảo cổ, nơi đem đến một bức tranh lớn về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật của các triều đại phong kiến thông qua các di tích và di vật được tìm thấy sau cuộc khai quật khảo cổ vào năm 2002. Một số cổ vật được trưng bày lộ thiên có mái che để để du khách tham quan. Còn những cổ vật tinh xảo và quan trọng được trưng bày ở tầng hầm khu nhà Quốc hội. 


Tất cả đã rất háo hức khi chiêm ngưỡng những hiện vật cổ được trưng bày trong bảo tàng, những món đồ gốm sứ là những vật dụng hàng ngày của chốn hoàng cung qua nhiều thời kỳ. 


Ghé thăm khu nhà D67 - khu tổng hành dinh, nơi Bộ quốc phòng, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã đưa ra những quyết định lịch sử đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam. Đó là: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 và Cuộc tấn công năm 1972. Đó là 12 ngày đêm cuối năm 1972 ta đánh thắng đế quốc Mỹ trên bầu trời Thủ đô. Đặc biệt cuộc Tổng tiến công năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh... Các em học sinh không khỏi kinh ngạc và thích thú nhìn những tấm bản đồ, những đồ dùng và công cụ thô sơ mà góp phần không nhỏ vào chiến thắng các kẻ thù khổng lồ trên chính trường quốc tế. 

Chia tay với Hoàng thành Thăng Long, quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Các em học sinh đều cảm nhận được giá trị to lớn của một "bộ lịch sử sống" chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long - Hà Nội, kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay. Hơn nữa, các em còn được tận mắt chứng kiến những dấu tích huy hoàng mà thiêng liêng của cha ông ta thưở trước để rồi trong mỗi tâm hồn thơ trẻ kia lại bay bổng, tưởng tượng những điều kì diệu.

Tới 14 giờ chiều, cả đoàn ghé thăm Bảo tàng Văn học Việt Nam.Nằm trên mảnh đất trước kia là Trường viết văn Quảng Bá thuộc Hội Nhà văn Việt Nam (ngõ 275 Âu Cơ, Hà Nội), Bảo tàng Văn học Việt Nam là nơi sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của văn học Việt Nam.

Đặt chân đến Bảo tàng Văn học Việt Nam, các thày cô và các em học sinh cảm thấy thích thú bởi không gian bảo tàng rộng tới 3.600m2, trưng bày hơn 4000 hiện vật, tư liệu quý giá về lịch sử văn học Việt Nam.

Trong 3 tầng trưng bày của bảo tàng, tầng 1 là nơi ấn tượng nhất với các hiện vật, tư liệu văn học Việt Nam thời cổ, trung đại. Đập vào mắt du khách ở vị trí trung tâm gian trưng bày là một câu kinh điển trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” được khắc trên tường, phía trước là hòn đá hình ngòi bút mang từ Đền Hùng về. 

Dạo một vòng quanh khu trưng bày tầng 1, các em học sinh sẽ có được cái nhìn khái quát về 10 thế kỉ văn học nước nhà (từ thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 19): lịch sử chữ viết của dân tộc trên các loại chất liệu: từ giấy dó, vải, kim loại, gỗ cây… không gian tái hiện cảnh sĩ tử lều chõng đi thi, cảnh trạng nguyên về làng vinh quy bái tổ… 


Bước lên tầng 2 của bảo tàng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hiện vật, tư liệu về những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam đầu thế kỉ 20: Phan Bội Châu, Tản Đà… và các nhà văn đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật như: Nam Cao, Ngô Tất Tố, Tế Hanh… 


Tầng 3 của bảo tàng là nơi trưng bày về các nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật thời kỳ chống thực dân Pháp, văn học khu V, Nam Trung Bộ, các nhà văn sáng tác ở miền bắc, miền nam. Đây cũng là nơi đặt bức tượng của đại thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941), đại diện tiêu biểu của văn hóa Ấn Độ, được tôn vinh là một trong “Tam vị nhất thể” của Ấn Độ hiện đại, cùng với Mahatma Gandhi và Jawarharlal Nehru.

Với không gian văn hóa đặc sắc, chứa đựng những tư liệu lịch sử quý giá, Bảo tàng Văn học Việt Nam không chỉ là một điểm đến hấp dẫn đối với những độc giả yêu văn thơ mà còn là điểm du lịch lý tưởng dành cho bất cứ du khách nào có dịp đến khám phá mảnh đất nghìn năm văn hiến.

       Hoạt động ngoại khóa kết thúc nhưng dư âm còn lưu dấu trong cảm xúc và tâm hồn thày và trò Trường THPT Lục Nam. Mỗi học sinh sẽ càng thêm hiểu - thêm yêu mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến nói riêng, đất nước và con người Việt Nam nói chung.


Cô Thân Khánh Quỳnh -GV THPT Lục Nam, Bắc Giang
Văn phòng - Trường

Công đoàn trường THPT Lục nam tổ chức tặng quà Chào năm mới 2025

Nhân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025 sắp đến, công đoàn trường THPT Lục nam xây dựng kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, người lao động với nhiều hoạt động thiết thực về vật chất và tinh thần.

NGOẠI KHOÁ: TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT NĂM HỌC 2024-2025

Được sự chỉ đạo của Chi bộ và Ban giám hiệu nhà trường; Đoàn trường THPT Lục Nam kết hợp cùng Đoàn cơ sở công an huyện Lục Nam tổ chức ngoại khoá.

DIỄN ĐÀN XÂY DỰNG TÌNH BẠN ĐẸP - NÓI KHÔNG VỚI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

Sáng ngày 21-10-2024, được sự chỉ đạo của BCH Đoàn trường, 42 CĐ đã tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”. Từng ĐVTN trong Chi Đoàn đã tổ chức ký cam kết :"Nói không với bạo lực học đường" với GVCN và Đoàn trường

CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG THPT LỤC NAM THAM GIA GIẢ BÓNG BÀN CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC TỈNH BẮC GIANG NĂM 2024

NGÀY 28/03/2024, TẠI NHÀ THI ĐẤU THỂ THAO TỈNH BẮC GIANG, "NHỮNG TAY VỢT BÓNG BÀN VÀNG" CỦA CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG THPT LỤC NAM ĐÃ TỎA SÁNG

HỘI THI TÌM HIỂU “LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ” TRONG TRƯỜNG HỌC NĂM 2023

Căn cứ Kế hoạch số 98/KH-GDĐT về Kế hoạch tổ chức Hội thi tìm hiểu “Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá” trong trường học năm 2023 trường THPT Lục Nam tổ chức Hội thi tìm hiểu “Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá” trong trường THPT, GDTX năm 2023 cụm huyện Lục Nam

CHƯƠNG TRÌNH TIẾP LỬA TRUYỀN THỐNG - KỂ CHUYỆN LỊCH SỬ

Ngày 28/11/2023, Thầy trò trường THPT Lục Nam giao lưu CLB người anh hùng và nhân chứng kể chuyện lịch sử!

Tổ Ngữ văn THPT Lục Nam tham quan trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long – Bảo tàng văn học

Được sự nhất trí của Ban Giám hiệu, Ban đại diện phụ huynh học sinh, Tổ văn Trường THPT Lục Nam đã tổ chức buổi tham quan trải nghiệm cho nhóm học sinh giỏi của ba khối. Đúng 6h sáng ngày 05/11/2023, trong tiết trời se lạnh của mùa thu, thầy cô và các trò Trường THPT Lục Nam hân hoan tham dự buổi tham quan trải nghiệm khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long và Bảo tàng Văn học Việt Nam.

KHAI MẠC MÔN BÓNG ĐÁ HỘI KHOẺ PHÙ ĐỔNG TRƯỜNG THPT LỤC NAM NĂM HỌC 2023 - 2024

Thực hiện kế hoạch năm học 2023-2024 của trường THPT Lục Nam; Thực hiện Căn Cứ số: 141/SGDĐT- GDTH, V/v triển khai quy định về hoạt động thể thao trong nhà trường theo Thông tư 48/2020/TT- BGDĐT.

CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG KỸ NĂNG PHÒNG CHỐNG THƯƠNG TÍCH VÀ AN TOÀN TRƯỜNG HỌC CHO HỌC SINH TRƯỜNG THPT LỤC NAM

Sáng ngày 04 tháng 12 năm 2023, Trường THPT Lục Nam phối hợp cùng Viện Khoa học An toàn Việt Nam tổ chức Chương trình truyền thông kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, An toàn trường học cho học sinh.

HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM “HAI GIỜ LÀM CHIẾN SỸ”

Thực hiện Kế hoạch nhiệm vụ năm học 2023-2024 của trường THPT Lục Nam; Thực hiện công tác tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023) và 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023). Chiều nay lúc 14 giờ ngày 21/12/2023, Đoàn trường THPT Lục Nam xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm “Hai giờ làm chiến sĩ” cho đại diện các học sinh trường THPT Lục Nam.